Những điều cần biết về siêu âm thai
“GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO MẸ BẦU VỀ SIÊU ÂM THAI”
Tại sao phải siêu âm thai?
Siêu âm là một trong các kết quả cận lâm sàng rất có ý nghĩa trong chẩn đoán. Đối với ngành Sản khoa, siêu âm không chỉ là một loại xét nghiệm cận lâm sàng để bổ sung thêm thông tin cho việc chẩn đoán, mà đang dần được coi là một phương pháp không thể thiếu. Có thể ví đây như là đôi mắt của bác sĩ, giúp họ nhìn được những hoạt động, hình ảnh bên trong buồng tử cung một cách rõ ràng và nhanh chóng. Nhờ siêu âm, ta mới xác định tuổi thai, phát hiện các bất thường thai kỳ và các dị tất của thai nhi.
Tại sao siêu âm lại có thể nhìn thấy được thai nhi?
Hình ảnh siêu âm được hình thành bằng cách sử dụng các sóng âm thanh. Máy gửi các sóng âm thanh thông qua cơ thể, sau đó phản xạ trở lại và chuyển đổi thành một hình ảnh được hiển thị trên màn hình.
Cách siêu âm như sau: bác sĩ sẽ thoa gel dành cho siêu âm lên bụng mẹ bầu, sau đó đầu dò máy siêu âm được quét qua – quét lại cho đến khi bào thai và nhau thai được hiển thị. Mẹ bầu và người thân có thể nhìn thấy hình ảnh bào thai trên màn hình.
Siêu âm thai 4D là gì?
Siêu âm 4D là siêu âm 4 chiều (gồm 3 chiều không gian và 1 chiều thời gian). Siêu âm 4D thường được sử dụng trong siêu âm thai nhi, nhờ 3 chiều không gian và chiều thời gian giúp cho chúng ta quan sát được không gian 3 chiều của thai nhi cùng với những cử động ngộ nghĩnh đáng yêu của em bé trong bụng mẹ.
Siêu âm 4D – Khảo sát hình thái thai nhi là sự kết hợp giữa siêu âm 4D (kiểm tra hình thể bên ngoài cùng với sự chuyển động của thai nhi) với siêu âm 2D (kiểm tra cấu trúc bên trong của thai nhi). Siêu âm 4D- khảo sát hình thái thai nhi còn gọi tắt là siêu âm thai 4D.
Những cột mốc siêu âm thai 4D cần ghi nhớ:
- Từ tuần 12- 13 tuần 6 ngày của thai kỳ: Đây là thời điểm bác sĩ siêu âm có thể xác định tuổi thai một cách chính xác nhất. Và điều quan trọng hơn của việc siêu âm thai trong thời kỳ này là bác sĩ có thể đo khoảng sáng sau gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành…).
- Từ tuần 21 – 24 của thai kỳ: Hầu hết các cơ quan bên trong thai nhi đều được bác sĩ siêu âm kiểm tra để đảm bảo thai phát triển bình thường. Các cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi ở thời kỳ này đều có thể được nhìn thấy.
Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng. Thời gian này đặc biệt quan trọng còn bởi vì những đình chỉ thai nghén chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.
- Từ tuần 30 – 32 của thai kỳ: Những bất thường xuất hiện muộn như bất thường ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc não sẽ được bác sĩ siêu âm phát hiện ở thời điểm siêu âm này.
Thời điểm nay, khi siêu âm bác sĩ còn kiểm tra dây rốn xem nó còn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối cũng được bác sĩ kiểm tra trong lần siêu âm này.
Siêu âm cũng chỉ có thời điểm
Siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ khám để tránh bỏ sót các mốc quan trọng và cần thiết của thai kỳ.
Siêu âm khảo sát hình thái học thai nhi nếu ở thời điểm sớm hơn thì chưa nhìn rõ các cấu trúc hoặc ở thời điểm muộn hơn thì thai kỳ lại quá lớn, nước ối giảm sẽ khó khảo sát và nếu có bất thường thì việc chấm dứt thai kỳ cũng phải cân nhắc vì thai có thể sống sau sinh.
Siêu âm màu cho phép phát hiện được nhiều dị tật: thần kinh, não, gan, tim, thận, cột sống, chân tay, hàm mặt… Với một số bệnh lý di truyền, các dị tật bẩm sinh quá nặng nề không thể khắc phục, đình chỉ thai (bỏ thai) có thể là một biện pháp được thực hiện, bởi trẻ sinh ra không thể phát triển bình thường, tàn phế suốt đời.
Siêu âm có gây hại gì cho thai nhi?
Vì nôn nóng mong “gặp con”, nên nhiều thai phụ đã đi siêu âm hàng tuần. Điều này có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Thực tế, chưa có nghiên cứu nào ghi nhận được bằng chứng về sự ảnh hưởng của sóng siêu âm đối với thai nhi. Tuy nhiên, việc siêu âm quá nhiều không đem lại nhiều thông tin. Hơn nữa, điều này lại khiến thai phụ di chuyển nhiều, không thật sự tốt và không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của họ.
Siêu âm sẽ phát hiện dị tật thai nhi?
Điều này đúng nhưng không phải trong mọi trường hợp bởi không phải tất cả các dị tật đều được phát hiện qua siêu âm. Có những trường hợp phải đến khi bé chào đời thì bác sĩ mới phát hiện ra dị tật đó. Siêu âm là để phát hiện và chẩn đoán các bất thường về hình thái thai nhi, còn sự hoạt động của các cơ quan trong cơ thể thai nhi thì rất khó có thể đánh giá, chỉ một số ít được đánh giá gián tiếp thông qua số lượng nước ối. Như vậy, siêu âm gần như không thể xác định được hoạt động chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể thai nhi.
Nhiều người hay lầm tưởng rằng, thai không có bất thường hình thái thì chắc chắn không có bất thường về nhiễm sắc thể. Thực tế, vẫn có những trường hợp bất thường nhiễm sắc thể không biểu hiện ra bất thường về hình thái, nên siêu âm cũng không thể biết được. Điển hình là trường hợp bệnh Down do thừa 1 nhiễm sắc thể số 21. Các nghiên cứu trên thế giới nhận thấy, có khoảng gần 30% trường hợp bị Down không có biểu hiện bất thường về hình thái trên siêu âm thai.
Các vấn đề mẹ bầu cần lưu ý về siêu âm thai :
- Siêu âm đầu dò âm đạo : là siêu âm qua ngã âm đạo được thực hiện bằng cách đưa đầu dò siêu âm vào âm đạo của thai phụ. Phương pháp này giúp xác định thai ngoài tử cung sớm và chính xác hơn so với siêu âm qua bụng. Bạn cần đi tiểu ngay trước khi siêu âm. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, bạn có thể trao đổi với bác sĩ xem kỹ thuật này có phù hợp với bạn hay không.
- Siêu âm 2D đối với những trường hợp thai nhỏ < 9 tuần bạn cần uống nhiều nước (khoảng 1 nước) trước khi siêu âm 1-2h và nhịn tiểu. Lúc đó, bàng quang của bạn sẽ căng ra và việc siêu âm sẽ dễ dàng hơn.
- Bạn cần mang theo kết quả siêu âm lần trước để bác sĩ đánh giá, theo dõi chính xác hơn.
- Thực hiện đúng hướng dẫn khi đã được hẹn trước.
Xác định tuổi thai qua siêu âm:
Qua kích thước và hình dạng của thai nhi, bác sĩ có thể tính toán được tuổi thai dựa vào một bảng đối chiếu. Tuy nhiên, việc xác định này vẫn có sai số, do bảng đối chiếu chỉ cho biết thai tương ứng với các thai bình thường ở độ tuổi bao nhiêu.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên nhớ được ngày đầu tiên của lần hành kinh cuối, bác sĩ sản khoa sẽ xác định tuổi thai của bạn bắt đầu từ ngày này để so sánh với kết quả siêu âm và đánh giá sự phát triển.
Dựa vào siêu âm, bác sĩ cho bạn biết các chỉ số về kích thước, đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi… của thai nhi. Qua đó có thể khẳng định rằng, tại thời điểm siêu âm, tỷ lệ cơ thể thai nhi có cân đối và tương xứng với tuổi thai hay không, đồng thời thai nhi có tiềm ẩn một căn bệnh nào không.
Những kết quả siêu âm bất thường :
- Thai ngoài tử cung.
- Thai lưu.
- Bất thường về ngôi thai.
- Dị tật bẩm sinh.
- Các vấn đề về nước ối như thiểu ối, đa ối.
- Bất thường ở nhau thai: nhau tiền đạo, nhau bị bong ra.
- Chậm phát triển trong tử cung.
- Các khối u trong tử cung (lá phôi, thai trứng…)
- Những bất thường khác ở tử cung, buồng trứng và cấu trúc trong vùng chậu.
Tránh lạm dụng siêu âm
Siêu âm là cần thiết trong theo dõi thai kỳ, nhưng không vì thế mà lạm dụng siêu âm. Siêu âm cần được thực hiện đúng thời điểm, khi có bất thường và theo lịch hẹn của bác sĩ khám sản khoa để tránh mất thời gian, chi phí cũng như sự không cần thiết.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh! Chúng tôi – Phòng khám đa khoa Vĩnh Hà luôn cùng bạn theo dõi, chăm sóc con yêu qua từng giai đoạn.