Bệnh lý tim mạch, nguy cơ và biện pháp dự phòng

Bệnh lý tim mạch, nguy cơ và biện pháp dự phòng

1.Bệnh mạch vành

Các triệu chứng ban đầu của bệnh động mạch vành nhiều khi rất mơ hồ, thường là bằng những cảm giác nặng ngực hay cơn đau thắt ngực bên trái. Trong chuyên môn còn gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định. Cơn đau xuất hiện khi xúc động, gắng sức và thường xuất hiện vào buổi sáng. Có thể kèm theo cao huyết áp gây nhức đầu, chóng mặt, cảm giác khó thở.

Tần suất các cơn đau ngày càng tăng và cường độ cơn đau càng ngày càng nặng và có thể đưa đến nhồi máu cơ tim cấp nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Tỉ lệ tử vong trong nhồi máu cơ tim cấp khá cao, nhất là trong hoàn cảnh khả năng cấp cứu về tim mạch của nhiều bệnh viện ở Việt Nam còn nhiều hạn chế do thiếu nhân lực, trang thiết bị và việc vận chuyển bệnh nhân từ nơi ở đến bệnh viện cấp cứu còn nhiều hạn chế.

Bệnh tuy khá nặng, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Nhưng phải phòng từ khi còn nhỏ, tức là ở tuổi thanh niên. Không nên ăn quá nhiều chất béo, chất ngọt, giữ cho cơ thể một thể trạng lý tưởng, rèn luyện thể dục thể thao, không hút thuốc lá, không ăn quá mặn. Nhất là giữ cho mình một tâm hồn tươi trẻ không quá lo lắng, tránh mọi thứ stress trong cuộc sống.

Những người có yếu tố nguy cơ cao như gia đình có người bị nhồi máu cơ tim, béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, hút thuốc lá, làm việc căng thẳng… rất cần đi khám bệnh định kỳ và điều trị tốt các bệnh nền để tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp

2.Tai biến mạch máu não

Não là một trong những cơ quan nhận máu nhiều của hệ tuần hoàn và các tế bào thần kinh là những tế bào nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy nhất. Chỉ cần thiếu oxy 5 phút là các tế bào não sẽ chết và không có khả năng hồi phục.

Các thể bệnh tai biến mạch máu não hay gặp nhất còn gọi là đột quỵ bào gồm: co thắt mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não, vỡ mạch máu não… Và nặng nhất là xuất huyết ồ ạt gây ngập não thất làm cho bệnh nhân tử vong trong vòng 1 – 2 giờ đồng hồ.

Các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là bệnh nhân bị đau đầu dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu hoặc liệt và đi vào hôn mê. Khả năng phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào thể tai biến. Ở những thể nặng, bệnh nhân hôn mê sâu tỉ lệ tử vong lên đến trên 50%.

Việc đề phòng quan trọng nhất là phải phát hiện sớm bệnh cao huyết áp và tình trạng xơ vữa động mạch, để điều trị tốt. Cần phải thận trọng với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như tuổi trên 50, béo phì, hút thuốc lá, đái tháo đường…

3. Cao huyết áp

Cao huyết áp cũng là một trong những bệnh có mối liên hệ mật thiết với tim mạch. Đây là một bệnh mạn tính, trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao

Cao huyết áp được phân loại thành cao huyết áp nguyên phát và thứ phát. Khoảng 5–10% số ca cao huyết áp thứ phát có nguyên nhân là một số bệnh tác động lên thận, động mạch, tim, và hệ nội tiết.

Cao huyết áp gây nhiều áp lực cho tim, có khả năng dẫn đến bệnh tim do tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ chính trong tai biến mạch máu não, suy tim, phình động mạch, bệnh thận mạn, và bệnh động mạch ngoại biên.

Ăn kiêng và thay đổi lối sống có thể cải thiện tình trạng huyết áp và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng. Tuy nhiên vẫn cần điều trị kèm bằng thuốc.

4. Bệnh động mạch ngoại biên

Động mạch ngoại vi là hệ thống gồm rất nhiều động mạch vừa và nhỏ, có nhiệm vụ đưa máu từ tim đi nuôi các bộ phận của cơ thể. Đặc biệt là tứ chi. Động mạch bao gồm 3 lớp: lớp áo ngoài, lớp áo giữa và lớp nội mạc. Bệnh viêm tắc động mạch ngoại vi có hai thể: bệnh Buerger là tình trạng viêm của 3 lớp thành động mạch, xảy ra ở những bệnh nhân trẻ, tuổi dưới 40, nghiện thuốc lá nặng. Bệnh kéo dài nhiều năm, nhưng cuối cùng đều phải đoạn chi nhất là chi dưới với tỉ lệ lên đến 95% sau 5 năm mắc bệnh. Bệnh nhân nếu bỏ được thuốc lá tình trạng bệnh sẽ tốt lên nhiều.

Bệnh động mạch ngoại vi thứ hai hay gặp nhất là tình trạng viêm và tắc động mạch do xơ vữa động mạch, xảy ra ở những người bị bệnh cao huyết áp và có rối loạn chuyển hóa mỡ. Tổn thương xảy ra ở lớp nội mạc với những mảng xơ vữa làm hẹp lòng động mạch, gây thiếu máu ngoại vi.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh còn khá mơ hồ. Thường thì bắt đầu bằng tình trạng đi lặc cách hồi. Tức là bệnh nhân đi một đoạn vài trăm mét thì đau nhói sau bắp chân, cơn đau khiến bệnh nhân phải ngồi nghỉ khoảng 5 – 10 phút sau hết đau và bệnh nhân có thể đi lại. Các cơn đau ngày càng tăng lên, đến một lúc nào đó bệnh nhân đau ngay cả khi nghỉ ngơi và xuất hiện những vết loét, hoại tử của chi…

Bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách không hút thuốc lá, nhất là ở những gia đình đã có người bị bệnh Buerger. Điều trị tốt tình trạng xơ vữa động mạch và rối loạn chuyển hóa mỡ, chống béo phì và điều trị tốt đái tháo đường nếu có.

5. Bệnh van tim hậu thấp tim

Bệnh van tim hậu thấp rất hay xảy ra ở những vùng khí hậu ẩm ướt, nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam. Trước kia, do quá trình phòng bệnh chưa tốt nên tỉ lệ người Việt Nam mắc bệnh thấp tim khá cao trên thế giới.

Bệnh van tim hậu thấp thường xảy ra ở những phụ nữ trẻ, sau tình trạng viêm họng có sốt.  Nếu không điều trị đúng cách, người bệnh có thể bị suy tim và tử vong. Việc điều trị bệnh van tim hậu thấp khá phức tạp và tốn kém.

Bệnh hoàn toàn có thể đề phòng được bằng cách cải thiện môi trường sống ngay khi còn nhỏ. Tránh lạnh quá, nóng quá, nhà của và cơ quan làm việc phải sạch sẽ, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, điều trị triệt để các bệnh mũi xoang. Nếu đã bị thấp tim phải sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm vi trùng Streptococus beta hemolytique đến năm 25 tuổi. Có thể sử dụng thuốc uống mỗi ngày, hay sử dụng loại Penicilline có tác dụng chậm mỗi tháng tiêm một lần.

6. Bệnh tim bẩm sinh

Cho đến hiện nay, bệnh tim bẩm sinh là bệnh hay gặp nhất ở Việt Nam. Các chuyên gia tim mạch ước tính rằng: có khoảng 1 – 2% các em bé sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh từ nhẹ nhất như là còn ống động mạch, đến nặng nhất là hoán vị đại động mạch… Ước tính rằng có khoảng trên 50 tổn thương tim bẩm sinh. Hiện tại luôn có khoảng hơn 100 ngàn trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh đang chờ mổ và cho dù có hàng chục trung tim mổ tim mở ra đời cũng không bao giờ giải quyết hết được.

Bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng khó thở, hay bị viêm phổi, tím tái và đứa trẻ thường bị suy dinh dưỡng nặng. Ngày xưa khi mà phương tiện chẩn đoán còn thô sơ chỉ với cái ống nghe thì việc xác định bệnh tim bẩm sinh đôi khi hơi khó. Ngày nay với sự ra đời và phát triển của siêu âm màu về tim mạch thì việc phát hiện bệnh tim bẩm sinh và thể loại tim bẩm sinh đơn giản hơn nhiều.

Việc phòng ngừa chủ yếu là người mẹ và người cha. Cha và mẹ phải có sức khoẻ tốt, không lớn tuổi mới sinh con, trong quá trình mang thai, nhất là 3 tháng đầu người mẹ không được tiếp xúc với hóa chất độc hại, X-quang, nhiễm siêu vi đặc biệt là bệnh rubella.

7. Phình động mạch chủ bóc tách

Phình động mạch chủ bóc tách, nhất là phình động mạch chủ ngực, là một biến chứng rất nặng của phình động mạch chủ. Bệnh nhân có thể bị đau ngực dữ dội đến ngất đi. Có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong ngay trong giai đoạn bệnh mới bắt đầu.

Nguyên nhân vẫn là xơ vữa động mạch. Ở những bệnh nhân này ở một vùng yếu của thành động mạch chủ như quai động mạch chủ ngực, phần dưới động mạch thận của động mạch chủ bụng sẽ phình ra, tạo cục máu đông gây tắc lòng động mạch, hoặc tạo sự bóc tách làm thành hai luồng thông và nặng hơn là vỡ túi phình gây tử vong.

Phình động mạch chủ bóc tách hoặc vỡ túi phình động mạch chủ cho tỉ lệ tử vong khá cao, lên đến 95% nếu bệnh nhân đang ở nhà. Việc mổ thay quai động mạch chủ cũng là một phẫu thuật rất lớn cần phải có máy tim phổi nhân tạo và tỉ lệ thành công cũng chỉ khoảng 40 – 50% mà thôi.

8. Bệnh viêm cơ tim

Bệnh viêm cơ tim có thể gây ra tình trạng đột tử. Bệnh có thể xảy ra ở những người khoẻ mạnh trước đó không hề bị bệnh tim. Khi cơ thể mệt mỏi các loại siêu vi trùng xâm nhập vào cơ thể tấn công lên cơ tim nhất là siêu vi trùng loại Coxacki. Thấp khớp cấp do liên cầu khuẩn cũng là nguyên nhân gây ra viêm cơ tim dạng thấp tim. Ngoài ra có thể bị viêm cơ tim do hóa chất, do sự tăng quá nhiều của hoóc-môn tuyến giáp… Ở những bệnh nhân này, tình trạng viêm cơ tim có thể đưa đến suy tim và bệnh nhân bị tử vong nếu không phát hiện ra và không được điều trị.

Việc phòng ngừa chủ yếu là giữ cho cơ thể thỏe mạnh, khi hơi mệt cần phải đi kiểm tra tim mạch ngay, không làm việc quá sức và nhất là không để nhiễm các loại hóa chất. nếu có bệnh bướu cổ cường giáp với nồng độ hoóc-môn tuyến giáp cao thì cần phải điều trị triệt để. Khám để phát hiện và giải quyết các ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai, mũi, họng, răng.

9. Bệnh cơ tim

  • Bệnh cơ tim giãn: cơ tim bị giãn ra, trở nên suy yếu không còn khả năng co bóp đầy đủ, làm tăng nguy cơ suy tim và hình thành cục máu đông trong tim
  • Bệnh cơ tim phì đại : cơ tim quá sản và dày lên, cản trở sự tống máu của tim.
  • Bệnh cơ tim hạn chế : cơ tim bị xơ cứng.

Mặc dù một vài hình thái bệnh cơ tim được cho là do một số nguyên nhân đặc biệt ở một nhóm người nào đó (chẳng hạn ở người nghiện rượu) nhưng bệnh mạch vành vẫn được coi là bệnh nguyên phổ biến nhất. Trong phần lớn trường hợp, bệnh cơ tim không tìm thấy nguyên nhân. Bệnh cơ tim phì đại hiếm, có xu hướng gặp ở người trẻ và nhiều hơn ở nam giới.

Khám lâm sàng giúp phát hiện tim to, âm thổi đặc thù hoặc các biến đổi về tiếng tim. Triệu chứng lâm sàng chỉ có giá trị gợi ý, để chẩn đoán xác định cần làm các xét nghiệm như điện tâm đồ, X quang tim phổi và nếu có thể là siêu âm tim hoặc xạ hình cơ tim. Một số trường hợp phải tiến hành thông tim hoặc sinh thiết cơ tim để chẩn đoán.

Tuỳ thuộc vào từng thể bệnh, các thuốc được chỉ định nhằm giảm gánh nặng cho tim, điều chỉnh rối loạn nhịp, chống đông máu và ngăn ngừa ứ nước trong cơ thể. Bao gồm giãn mạch, digitalis, ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chống đông và lợi tiểu. Bệnh cơ tim giãn thường đáp ứng tốt với điều trị nội khoa ít nhất trong giai đoạn đầu. Điều trị nội tỏ ra ít có hiệu quả đối với bệnh cơ tim do virus cũng như bệnh cơ tim hạn chế. Khi suy tim đến giai đoạn cuối, ghép tim là giải pháp sau cùng.

Tiên lượng bệnh, ít nhất một phần, phụ thuộc vào mức độ suy tim. Suy tim ứ huyết là hậu quả thường gặp, loạn nhịp hoặc blốc tim có thể xuất hiện và đôi khi phải cấy máy tạo nhịp. Trong trường hợp bệnh cơ tim có suy tim nặng, cục máu đông hình thành trong tim có thể gây tắc mạch, đột quỵ hoặc đột tử.

Cần phải đi khám sớm để xác định một chế độ điều trị hợp lý bao gồm cả điều trị nguyên nhân của bệnh cơ tim. Các nguyên nhân tiềm tàng như uống rượu nên tránh. Bệnh cơ tim phì đại thường bẩm sinh do vậy không thể dự phòng.

10. Bệnh viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim là viêm kích thích của màng ngoài tim, màng mỏng bao quanh tim. Viêm màng ngoài tim thường gây ra đau ngực và đôi khi các triệu chứng khác. Viêm màng ngoài tim thường đột ngột và ngắn (cấp tính thường kéo dài ít hơn một vài tuần). Khi các triệu chứng dần dần phát triển thêm hoặc kéo dài, tình trạng này được coi là mãn tính (kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn). Cơn đau ngực mạnh liên kết với viêm màng ngoài tim xảy ra khi bị viêm hay bị kích thích, hai lớp màng ngoài tim chà với nhau. Tùy thuộc vào loại, dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng ngoài tim có thể bao gồm một số hoặc tất cả những điều sau đây:

  • Đau ngực sắc nét, đau trung tâm hoặc bên trái của ngực.
  • Khó thở.
  • Sốt nhẹ.
  • Cảm giác yếu đuối, mệt mỏi hoặc cảm thấy bị bệnh.
  • Ho khan.
  • Bụng cổ chướng hoặc phù chân

Trường hợp nhẹ có thể tự cải thiện. Điều trị các trường hợp nặng hơn có thể bao gồm thuốc men, hiếm khi phẫu thuật. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng lâu dài.. Bệnh hay gặp ở nam giới hơn so với nữ giới.

Các thể bệnh và nguyên nhân gây bệnh của viêm màng ngoài tim cấp rất đa dạng. Nguyên nhân hay gặp nhất là: viêm màng ngoài tim cấp vô căn, do virus, do vi khuẩn (nhất là vi khuẩn lao), tăng urê máu, sau nhồi máu cơ tim, ung thư và chấn thương.

Chẩn đoán sớm và điều trị viêm màng ngoài tim thường làm giảm nguy cơ các biến chứng lâu dài.

11. Bệnh suy tĩnh mạch

Suy tĩnh mạch tĩnh mạch (hay còn gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch mãn tính) là các tĩnh mạch phình ra nổi lên gần bề mặt da. Tĩnh mạch mang máu từ các mô và tế bào trở lại tim, nơi mà tế bào máu có thể lấy oxy.

Nguyên nhân của bệnh suy giãn tĩnh mạch là do các van tĩnh mạch bị yếu đi và không thể ngăn máu tích tụ. Bệnh không lây nhiễm hoặc thừa hưởng nhưng có di truyền trong gia đình.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới  là bệnh phổ biến, có đến 30% người lớn mắc bệnh. Người lớn tuổi, phụ nữ, bị thừa cân và những người phải đứng một trong thời gian dài có tỷ lệ giãn tĩnh mạch cao hơn.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính bao gồm:

  • Tuổi tác: nguy cơ bị giãn tĩnh mạch tăng dần theo tuổi của bạn do các mạch máu và van điều tiết máu trong mạch dần dần bị thoái hóa;
  • Giới tính: phụ nữ đang trải qua sự thay đổi hormone do mang thai, điều trị bằng liệu pháp thay hormone và dùng thuốc tránh thai. Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi mãn kinh;
  • Tiền sử gia đình: trong gia đình bạn từng có người bị giãn tĩnh mạch;
  • Béo phì: huyết áp cao và xơ vữa mạch máu do bị thừa cân sẽ khiến bạn không chỉ bị giãn tĩnh mạch mà còn tăg nguy cơ nhiều bệnh tim mạch khác;
  • Đứng hoặc ngồi nhiều trong thời gian dài.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ là số chung và chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Những việc bạn nên làm để có thể hạn chế diễn tiến của suy giãn tĩnh mạch (suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính) bao gồm:

  • Tập thể dục (đi bộ) đều đặn và giảm cân;
  • Nâng chân lên cao khi ngồi và tránh đứng một chỗ trong thời gian dài;
  • Mang vớ y tế mỗi ngày;
  • Gọi cho bác sĩ nếu giãn tĩnh mạch gây đau đớn, bạn bị hư da, lở loét hoặc nếu bạn bị chảy máu từ tĩnh mạch bị giãn;
  • Đi khám bác sĩ nếu gần tĩnh mạch bị giãn có chỗ u nóng và đau khi chạm và Đó có thể là một huyết khối nguy hiểm (viêm tĩnh mạch).

Khi có những câu hỏi cần được giải thích, những thắc mắc cần được tư vấn, hãy tìm đến chúng tôi – Phòng khám đa khoa Vĩnh Hà để được hỗ trợ chu đáo, tận tình.

Share this post